Hôm nay, Nguyễn Nga sẽ chia sẻ kinh nghiệm cách đặt tựa sách(văn học) gồm truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết.
Trong thực tế có rất nhiều cách đặt tên sách nhưng hôm nay, Nga chỉ gói gọn trong 3 bước cơ bản nhất. Các bạn cần lưu ý trước để đặt tựa sách của mình hay hơn. Hy vọng các bạn mới bắt đầu công việc viết lách sẽ dễ dàng luyện tập, áp dụng để đặt tựa sách hay và phù hợp cho chính mình.
1.Tựa sách gây tò mò
Các bạn có thừa nhận rằng nhiều lần mình quyết định móc ví tiền ra mua sách chỉ vì đọc tựa sách khiến mình tò mò nội dung bên trong không?
Nga thừa nhận rằng trước đây, từng nhiều lần bị “lừa” vì cái tựa quá thu hút và đặc biệt khiến mình tưởng tượng mãi không thôi. Đó là lí do đã mua sách về đọc chỉ vì cái “tựa đề”.
Để đặt được tựa sách gây tò mò tâm trí bạn đọc, ngoài yếu tố tài năng, bạn cũng có thể rèn luyện bằng cách học hỏi thêm. Nhưng tựa sách gây tò mò thôi chưa đủ, điều quan trọng phải phù hợp với thể loại cuốn sách.
2. Tựa sách gắn với thể loại
Nếu bạn viết về tiểu thuyết kỳ ảo, ma mị, chắc chắn tựa sách phải khác với bạn viết về hiện thực cuộc sống.
Nếu bạn viết thể loại hài hước, chắc hẳn tựa sách của bạn phải khác những cuốn sách mang câu chuyện buồn thảm, bi ai. Cách đặt tựa sách phù hợp với thể loại của bạn để độc giả dễ dàng chọn lựa sách đọc theo sở thích của họ.
3. Độ dài của tựa sách nên bao nhiêu chữ?
Tựa đề sách hay, thu hút thật sự không phụ thuộc vào độ dài ngắn của tên sách. Có những cuốn sách bạn thấy tựa rất hay và rất dài. Tôi nhớ một tập truyện ngắn tôi tình cờ đọc được của nhà văn Nguyễn Đình Bổn. Tập truyện có tựa “Giữa trần gian và địa ngục”. Tôi thật sự ấn tượng với tựa đề cuốn sách ấy.
Hoặc gần đây, tôi có đọc tiểu thuyết “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”, tác giả Jonas Jonasson. Tựa dài nhưng khá thu hút phải không các bạn? Hoặc có những cuốn sách tựa rất ngắn như “Lolita”, tác giả Vladimir Nabokov.
Tóm lại tựa sách dài hay ngắn không quyết định sẽ làm nên tên sách hay, hấp dẫn hay không? Điều quyết định đó là sự phù hợp và cái tài của người đặt tên sách.
4. Vài lưu ý ngoài lề quan trọng khi chọn tựa đề sách
a. Tựa sách lóe lên trong vài giây đầu tiên ngay khi có ý tưởng viết sách
Còn nhớ khi nghĩ ra ý tưởng viết tiểu thuyết Bà già đến từ âm phủ, tên truyện đã lóe lên trong đầu tôi cùng với ý tưởng. Và những tựa sách đến bất chợt nhanh trong tia sáng tạo cùng với ý tưởng viết sách của bạn thường là những cái tên hay và phù hợp nhất. Đó là theo king nghiệm của riêng cá nhân Nguyễn Nga. Cách đặt tên sách này cũng như cách bạn đặt tên cho một đứa con, ngay khi bạn chưa sinh ra chúng mà chỉ mới thai nghén. Tuy nhiên, mỗi bạn sẽ còn có một cách chọn và đặt tên khác nhau.
b. Làm gì khi không nghĩ ra tựa sách hoặc nghĩ ra nhưng không hài lòng?
Nếu bạn không nghĩ ra tên cuốn sách, bạn cứ để trống hoặc chọn đại một cái tên đặt vô để tập trung thời gian còn lại viết cho xong cuốn sách.
Trường hợp thứ hai nếu nghĩ ra nhiều tên sách nhưng không biết chọn tên nào? Bạn nên nhờ sự tư vấn của những người có chuyên môn giúp đỡ. Có thể là Biên tập viên hay những người bạn, đồng nghiệp, người thân…yêu thích và đọc nhiều sách. Nhờ họ tìm ra một tựa hay, phù hợp với cuốn sách mình viết nhất.
c. Tựa sách theo phong thủy liệu có ảnh hưởng đến số phận cuốn sách?
Nga luôn tin tên sách ít nhiều tạo ra số phận của cuốn sách. Đó là quá trình Nga chiêm nghiệm từ việc đặt tên chính những cuốn sách cũng như kịch bản phim của mình.
Tổng kết: Việc đặt được tựa một cuốn sách hay thật ra còn rất nhiều yếu tố và nhiều phương pháp mà các bạn nên học hỏi thêm từ những tác giả khác. Tuy nhiên, trong khả năng và kinh nghiệm có hạn của mình, Nguyễn Nga vẫn hy vọng sẽ giúp ích ít nhiều cho những bạn mới bắt đầu với việc viết sách. Chúc các bạn thành công!
- Đọc thêm kinh nghiệm viết lách
- Đọc thêm kinh nghiệm bán sách