“Sao hồi sáng chị không lấy tiền con Út nó đưa!”. Giọng người phụ nữ tóc pha sương rỉ rả vào tai người phụ nữ tóc màu tuyết, lẫn chút trách móc.
Bà cụ tóc tuyết nhún vai, cười hềnh hệch: “Tính tui là vậy đó, dù là con mà cho tiền tui thì phải ‘năn nỉ’ tui mới lấy! Coi vậy chứ tui cũng biết làm giá lắm nghen!”
Cô em lắc đầu, bảo: “Em bó tay chị luôn! Bởi cái tôi lớn quá thành ra mới khổ! Con nó cho mình tiền là hiếu thuận rồi, mình cứ lấy đi chị. Mẹ con mà còn câu nệ lễ nghĩa làm khó nhau chi!”
Bà cụ tóc tuyết bĩu môi: “Không năn nỉ, không lấy! Phải để nó thấy mình là mẹ nó, mình cũng có lòng tự tôn chứ bộ. Cứ đưa là lấy, nó lại bảo mẹ hám tiền, thấy tiền như cá tra thấy mồi”.
Cô em bật cười trước sự ngang ngạnh của chị mình. “Chị ‘diễn sâu’ quá! Lần sau, nó cho nhiều mà làm eo không lấy, cứ a lô em lấy giúp cho”. Bà chị hứ một tiếng, cái môi dưới hơi bĩu ra để lộ hàm răng trên đã thưa thớt, chỉ còn vài chiếc lộ nứu.
Cô em vừa đi khỏi, bà cụ tóc tuyết lật đật chạy vào buồng, mở tủ lấy ra cuốn sổ nhỏ. Bà lần tìm trang có ghi chú các khoản chi tiêu, hí hoáy viết thêm một dòng. “Hôm nay, con Út cho 500 ngàn mà không thèm lấy. Mốt nó về, phải giả bộ than nghèo, kể khổ, bắt nó cho thêm bù vô mới được!”. Bà cụ cười khoái chí, lẩm bẩm một mình.
Thi thoảng, mấy đứa con của bà cũng cau có, khó chịu bởi cái tật làm mình làm mẩy của mẹ, hay chê ỏng, chê eo mỗi khi họ biếu bà ít tiền tiêu vặt. Nhưng bà lại thích mê cái cảm giác, con cái đứa nào đứa nấy xuống nước, nằn nì bảo bả nhận tiền cho bằng được.
Thì ra câu người già hai lần con nít là vậy, đôi khi phận làm con phải thấu hiểu sự thay đổi tâm tính của cha mẹ ,khi họ lớn tuổi để mình rộng lượng với những chứng tật trẻ con của họ hơn. Họ làm giá, làm eo cũng chỉ đơn giản bởi ước muốn giản đơn là được con cháu gần gũi, quan tâm và yêu thương nhiều hơn!
Câu chuyện này khiến tác giả Nguyễn Nga nhớ đến một hình ảnh mãi ám ảnh trong tâm trí của mình, vào năm dịch Covid nổ ra. Khi ấy, các con hẻm trong thành phố đều cách ly, không một ai được rời khỏi nhà.
NGOẠI TRUYỆN:
Một sáng, cả dãy phố vang í ới tiếng la hét thất thanh. Ngó xuống từ tầng hai của căn nhà, chằng chịt dây vắt ngang dọc, hàng rào, ngăn người ta rời khỏi chỗ ở, một nhóm hai ba người phụ nữ đang chỉ chỏ vào một bà cụ ngoài 80 tuổi, tóc chỉ còn một chỏm nhỏ màu trắng.
“Cho tao đi mua bánh mì”, bà cụ năn nỉ, giọng như sắp khóc.
“Trời ơi! Con đã biểu là cách ly, không đi mua bánh mì được!”, người phụ nữ độ tuổi 40 gân cổ hét to vào mặt bà cụ. Nhưng cụ bà vẫn xăm xăm bước đi. Sau đó ì oạch, hai người phụ nữ lao vào, mỗi người túm một tay lôi cụ bà xềnh xệch vào nhà. Hai chân bà cụ chà quẹt xuống đất, như cái chổi bị kéo lê trên đường. Bà vừa gào khóc, vừa la hét vang cả khu phố.
Cảnh tượng ấy như một lời nhắc nhở đau lòng về câu chuyện của bà cụ tóc tuyết. Có lẽ, bà cụ tóc tuyết cũng từng như vậy, từng khao khát sự quan tâm, gần gũi của con cháu đến mức phải dùng những cách trẻ con để níu kéo. Còn bà cụ trong mùa dịch, có lẽ cũng chỉ đơn giản là muốn được tự do đi lại, được làm những việc mình thích, dù nhỏ nhặt như việc mua ổ bánh mì.
Giá mà những người con cháu của bà cụ khi ấy nhận ra, mẹ họ giờ đây đã như một đứa trẻ lên ba, hay vòi vĩnh, làm nư, chẳng muốn nghe lời để họ rộng lượng hơn với những cơn bướng bỉnh của mẹ thì có lẽ cụ bà ấy không bị mắng chửi, quát nạt đáng thương đến vậy!
Với người già, ta vẫn cần lắm một tấm lòng bao dung phải không các bạn?
Bạn đã từng gặp tình huống tương tự với ông bà, cha mẹ của mình chưa? Chia sẻ câu chuyện của bạn dưới phần bình luận nhé!
- CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI ĐẶC BIỆT: Đăng ký thành viên – độc giả thân thiết của tác giả Nguyễn Nga để đọc tất cả những tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, phiên bản độc quyền, cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn với phí 99.000d/năm bằng cách đăng ký thành viên cộng đồng “ĐỘC GIẢ THÂN THIẾT CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN NGA” để nhận hướng dẫn cách đăng ký gói thành viên hoặc đăng ký trực tiếp qua mail: vietlachvn88@gmail.com
- Đặt sách điện tử – tuyển chọn truyện ngắn và tiểu thuyết hay của Nguyễn Nga tại Google Play.
- Đặt sách giấy – tiểu thuyết lôi cuốn, ý nghĩa của Nguyễn Nga giá ưu đãi tại đây.