- Tiểu thuyết Việt Nam lấy bối cảnh cổ xưa, thời phong kiến cách đây 200 năm.
- Thể loại: Kỳ ảo, tình yêu, phiêu lưu, kỳ bí
- Tên truyện: Tiên Mắc Đọa
- Tác giả: Nguyễn Nga
- Số trang: 340 trang
- Kích thước: 13.5 x 20.5 cm
- Bìa mềm
- Đơn vị phát hành: Viết Lách VN
- Nhà Xuất Bản Văn Học
- Kết truyện: Là sự kết hợp của 3 trong 1 kết SE + HE + OE
- Sách tiểu thuyết hay sâu sắc, ý nghĩa và lôi cuốn người đọc từng phút giây
Giới thiệu các trích đoạn trong tiểu thuyết
“Càng chạy sâu vào rừng, bốn bề càng mù mịt, khiến người ta không thể biết được thời gian trôi qua là sáng sớm hay chiều muộn. Chỉ khi màn đêm sầm sập kéo đến mới biết một ngày đã hết.
Khi làn khói đen, loãng dần và tan đi, Tiên Hạnh mới thảng thốt nhận ra, không thấy Đại đâu. “Sao lạ vậy? Rõ ràng, mình vừa trông thấy anh ấy bị Đức Phúc xô ngã vào ổ kiến lửa, chân trúng độc, không đi được mà?”. Cô vừa lẩm bẩm với chính mình, vừa ngó nghiêng quanh những gốc cây.
Tiên Hạnh tìm mãi vẫn không hề thấy bóng dáng Đại, xung quanh chỉ có tiếng chim chóc và muông thú réo gọi nhau. Cô thất vọng, đưa tay lên xoa xoa hai con mắt. “Ôi! Không lẽ mắt mình có vấn đề sao? Hay mình bị bùa mê, thuốc lú đến nỗi không còn phân biệt được người hay ma nữa?”.
Chợt từ xa, cô nghe có tiếng lá khô lạo xạo. Trên những tán cây, gió thổi vù vù. Khi sợ hãi, người ta lại bắt đầu tưởng tượng ra đủ thứ chuyện không may xảy đến với mình. Cô nhớ lại câu chuyện tuổi thơ ám ảnh mà bà Đậu từng kể với cô về loài sói hung dữ, chuyên ăn thịt người. Tiên Hạnh nghĩ đến cảnh bầy sói ấy đang thi nhau chạy đến đây. Cô chỉ có một mình đơn độc, trên tay cũng chẳng có loại hung khí nào để tự vệ. Lũ sói sẽ thi nhau cắn xé thân thể cô ra làm nhiều mảnh. Càng tưởng tượng, Tiên Hạnh càng run rẩy sợ.
Tiếng bước chân đạp lá, càng lúc nghe càng gần hơn. Tiên Hạnh cố trèo lên một cái cây to cao để trốn nhưng thân cây thẳng tuột, không có một cành nhánh nào để cô bám vào. Cô cứ trèo lên được một đoạn lại tuột xuống. Tiên Hạnh đành nép mình sau gốc cây trốn, hồi hộp quan sát động tĩnh xung quanh.
Xa xa, thấp thoáng dáng hình một cô nương xinh đẹp, trong bộ đồ lả lướt gấm hoa. Cô ấy vừa chạy, mắt vừa nhìn quanh như đang tìm kiếm ai đó. Thấy có người cùng là phận nữ nhi lại đồng trang lứa với mình, Tiên Hạnh mừng rỡ, mạnh dạn lên tiếng.
– Này, có phải cô đang tìm ai đó không?
Nghe tiếng người, Minh Tú mừng vui khôn xiết, tưởng tìm được manh mối tin tức về người anh trai Đức Phúc.
Minh Tú bước nhanh về phía gốc cây, nơi phát ra giọng nữ êm ái kia. Bỗng cô giật mình suýt thét lên. Nép bên gốc cây đại thụ là một cô gái có khuôn mặt vô cùng đáng sợ.
– Cô… là… người hay… ma?
Minh Tú bước lùi lại phía sau, miệng lắp bắp. Tiên Hạnh chợt nhớ ra lời dặn của bà Đậu, phải luôn dùng khăn che mặt, khi đi ra ngoài, bởi dung mạo xấu xí của cô sẽ làm người đối diện hoảng sợ. Nhưng trong lúc chạy đi tìm Đại, Tiên Hạnh đã đánh rơi mất khăn che mặt. Nàng vội vàng kéo vạt áo lên che, chỉ để lộ ra đôi mắt.
Lạ thay khi Minh Tú vừa nhìn vào ánh mắt của Tiên Hạnh, cô lại thấy nỗi đau khổ ngập ngụa trong đó. Những hình ảnh bi thương từ tuổi thơ kéo dài mãi đến khi trưởng thành của Tiên Hạnh, lần lượt hiện ra trước mắt Minh Tú.
– Tôi xin lỗi, vì đã nói lời khiếm nhã với chị!
Minh Tú áy náy, khi nhận ra câu hỏi của cô đã làm tổn thương Tiên Hạnh.
– Không sao, tôi đã quen bị đối xử như vậy rồi!
Tiên Hạnh khẽ cúi mặt, hai giọt nước mắt trong như hai hạt sương thấm vào tay áo cô.
Trong khoảnh khắc ấy, Minh Tú bỗng thấy động lòng từ bi, thương hại cô gái bất hạnh này. Nàng vừa bước về phía Tiên Hạnh thì một tiếng thét vang lên. Chỉ phút chốc, Tiên Hạnh đã bị trói chặt chân, treo ngược lên ngọn cây. Một chiếc bẫy thòng lọng được đặt kín kẽ ngay dưới gốc cây mà Tiên Hạnh không hề hay biết”.