Bạn từng viết sách, truyện, thơ…kiếm tiền. Bạn nghĩ đến việc tạo Blog để quảng cáo và giới thiệu tác phẩm của mình rộng rãi đến bạn đọc. Nhưng sau vài tháng miệt mài viết bài, blog của bạn chỉ lác đác vài người đọc. Bạn nhận ra mình thất bại thảm hại. Vậy nguyên nhân do đâu?
1. “Đầu tiên” là hay nghĩ đến “tiền đâu”
Nghe có vẻ mâu thuẫn khi mục đích bạn tạo blog là để kiếm tiền từ việc bán sách do chính mình viết ra hoặc thu hút quảng cáo trên blog….nhưng tại sao lại nói bạn thất bại vì suốt ngày nghĩ về tiền.
Trước khi tạo blog kiếm tiền, bạn hãy dành một khoảng thời gian tĩnh lặng để tự hỏi chính mình: “Bạn có thật sự yêu thích việc viết lách không? Bạn có muốn chia sẻ công việc của mình trên blog? Và bạn có say mê việc tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong và ngoài nước của những blogger nổi tiếng không?”.
Hầu hết những blogger nổi tiếng, thời gian đầu họ thường bắt đầu viết blog vì say mê công việc của mình và muốn chia sẻ niềm đam mê ấy với mọi người. Và đó là nguyên nhân khiến họ thành công như ở trong nước có nhà văn Trang Hạ.
Ở Nhật có blogger Mieko Kawakami đã trở thành nhà văn nổi tiếng sau thời gian viết blog. Ở Úc, tác giả Darren Rowse mới đầu viết blog như là một sở thích cá nhân, chủ yếu viết về thế vận hội và sở thích chụp hình. Sau đó ông viết blog với mục đích giúp đỡ các blogger khác. Một thời gian sau, blog của ông thu hút rất đông đảo bạn đọc và ông bắt đầu kiếm tiền từ quảng cáo, bán sách điện tử….
Bạn nên bắt đầu viết blog vì niềm đam mê và yêu thích. Bạn muốn chia sẻ những giá trị hữu ích cho mọi người và cuối cùng thì những khoản thu nhập mới kéo đến sau đó…rất lâu.
2. Luôn so sánh blog của mình với những blog nổi tiếng
Thời gian đầu, bạn mới tạo blog, tất nhiên bạn có rất ít người ghé thăm. Bạn bắt đầu viết trong tình trạng chán nản, buồn bã khi so sánh với những blog có lượt truy cập khủng mỗi ngày.
Thay vì tìm hiểu nguyên nhân vì sao các blogger đó thành công thì bạn lại cứ chăm chăm suy nghĩ “mình bất tài nên thất bại”. Chính sự thiếu tự tin đã ngăn cản bạn nỗ lực, kiên trì để xây dựng blog cá nhân nhà văn phát triển.
Có một câu nói của blogger nổi tiếng Darren Rowse để bạn có thêm động lực và sự tự tin đầu tư viết blog: “Cảm thấy blog nhỏ? Nếu bạn chỉ có một người đọc và blog của bạn thay đổi cuộc sống của họ thì nó là đủ lớn”
3. Viết cho chính mình hay viết cho bạn đọc
Khi bạn viết văn thường mang tính cá nhân nhiều hơn. Bạn viết ra câu chuyện đó trước hết là cho chính mình. Vì bản thân bạn thật sự yêu thích đề tài, thể loại ấy và nó thôi thúc bạn ngồi vào bàn viết ra câu chuyện để chia sẻ với bạn đọc.
Nhưng viết blog lại khác. Bạn không quan tâm bạn đọc của mình là ai và liệu có thích những gì bạn viết trên blog không? Bạn thường suy nghĩ về đề tài mà chỉ bản thân bạn yêu thích. Sau đó bạn cắm đầu, cắm cổ viết. Cuối cùng, bạn thất bại, vì không ai tìm đọc.
Viết blog là sự kết hợp độc đáo, hài hòa giữa cá tính của tác giả nhưng phải dựa trên sự phù hợp, sở thích của bạn đọc. Do đó bạn phải xác định được đối tượng bạn đọc blog của mình là ai, độ tuổi, sở thích…?
Mỗi blog sẽ có những đối tượng độc giả riêng. Bạn viết sách về giáo dục nuôi dạy con cái nên người, chắc chắn đối tượng bạn đọc của bạn là những bà mẹ bỉm sữa. Bạn viết về những câu chuyện tình yêu nồng nàn, lãng mạn, độc giả của bạn chắc chắc còn rất trẻ, đa số tuổi teen…
Lời kết: Viết blog là công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, ngoài khả năng viết lách thiên bẩm, bạn còn phải không ngừng học hỏi kỹ năng viết bài blog chuẩn SEO. Có vậy mới hi vọng blog của bạn hấp dẫn và thu hút đông đảo độc giả. Nếu viết sách là công việc khó khăn nhất, bạn có thể thực hiện được thì với blog sẽ không là rào cản lớn với bạn. Vấn đề là bạn đã sẵn sàng quyết tâm hành động chưa, sau khi đọc xong bài viết này?