Banner

Viết blog cá nhân: Những sai lầm tác giả mới nên tránh

by VietLachVn

Bạn tạo blog để giới thiệu sách nhằm tăng thêm lượng độc giả. Nhưng việc viết blog lại khiến độc giả quay lưng với ebook, sách của bạn. Nguyên nhân vì đâu?

Viết bài kiểu tùy hứng 

Viết bài blog cũng đòi hỏi bạn sáng tạo, suy nghĩ tìm tòi ý tưởng. Nhưng không có nghĩa bất cứ điều gì vừa lóe ra trong đầu là bạn ngồi ngay vào bàn viết và đăng blog ngay. 

Bạn nên cẩn thận ghi chép ý tưởng ấy vào sổ tay hoặc lưu vào máy tính. Sau đó, bạn dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu xem ý tưởng ấy có nhất quán với chủ đề blog của bạn không? Làm vậy, bạn sẽ không bị “lạc đề”, không mất thời gian, công sức viết bài nhưng lại rơi vào vào quên lãng. 

Viết nhanh, viết nhiều nhưng viết “nhạt”

Bạn mới tạo blog và muốn blog của mình thu hút nhiều lượt view. Bạn viết thật nhiều, thật nhanh nhưng nội dung bài viết lại cũ và hời hợt. Chưa kể việc viết nhanh, bạn không có thời gian kiểm tra lại văn bản có thể sai chính tả, diễn đạt câu cú lộn xộn. Với nghề viết, đây là một lỗi rất nghiêm trọng. 

Khi bạn là tác giả, bạn càng không được phép viết cẩu thả 

Giới thiệu blog mới cũng như người lần đầu đi “xem mắt”, ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Nếu bạn để người đọc không thiện cảm thì cơ hội họ quay lại blog của bạn rất thấp.

Bạn viết blog chậm và ít cũng được. Một tuần chỉ viết 1 bài. Nhưng với điều kiện, bạn dành  thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư những bài viết có chủ đề hấp dẫn, mới lạ, có chiều sâu, hữu ích với bạn đọc để tăng cơ hội họ quay trở lại blog của bạn. 

Lười viết hoặc quên viết bài blog

Một số tác giả vì bận bịu nên tạo blog ra chỉ đăng vài truyện ngắn, vài bài viết giới thiệu sách của mình rồi để đó hết năm này tháng nọ, không dòm ngó đến  blog. Không chỉ google đánh giá thấp lượt hiển thị blog của bạn mà bạn đọc cũng không có hứng thú ghé qua.

Viết tít(title) một đằng, nội dung một nẻo

Để bài viết blog lên top google tìm kiếm, bạn chọn những tiêu đề(tít) hấp dẫn, thu hút người đọc nhưng nội dung bài viết của bạn lại chẳng ăn nhập với tít. Chính điều này sẽ gây phản cảm cho bạn đọc.

Ngoài tiêu đề chính, thẻ heading hay còn gọi tựa đề phụ cho từng mục nhỏ trong bài viết cũng phải ăn nhập với nội dung trong từng mục đó. Tránh trường hợp viết kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, làm bạn đọc bực bội.

Bạn có thể hình dung ra title như là tên của cuốn sách còn thẻ heading giống như là tên của từng chương trong cuốn sách của bạn. Cả title và heading đều ảnh hưởng đến việc tối ưu SEO blog của bạn. 

Viết theo kiểu “diễn” quá sâu 

Bạn luôn nghe những người dạy SEO khuyên phải viết bài theo kiểu hài hước, độc lạ… thì mới thu hút người hâm mộ. Điều đó không sai nhưng tất cả đều dừng lại ở chữ “chừng mực”.

Nếu bạn không có khiếu hài hước nhưng lại cố gắng viết “quá lên” để chọc cười người đọc, có thể gây ra tác dụng ngược. Bài viết của bạn sẽ làm cho họ khó chịu, không thiện cảm. Hãy cố gắng viết thật chân thành theo đúng “chất” của bạn. 

Hãy viết thật như chính bạn, tránh viết kiểu “diễn quá sâu” 

Tránh viết bài kiểu “bút chiến” với bạn văn

Trong viết văn, quan điểm sáng tác của mỗi tác giả, mỗi khác nhau, bạn nên tôn trọng “quyền phát ngôn” của họ. Bạn tránh viết bài nói xấu, châm chích, chọc khoáy quan điểm những tác giả khác. Tôi thường nghĩ thời gian để tranh cãi với các bạn văn chi bằng đầu tư đọc sách, viết lách có lẽ sẽ bổ ích hơn.

Tránh đăng đàn tranh cãi với bạn đọc

Khi bạn chọn tạo blog để giới thiệu, quảng bá tác phẩm viết của bạn thì trong thâm tâm, bạn đã tự nhận mình là một người kinh doanh. Và bạn cũng biết đã làm nghề buôn bán, bạn phải chấp nhận “làm dâu trăm họ”, sẽ có những bạn đọc yêu thích sản phẩm của bạn. Nhưng cũng có những người không thích bạn và bạn phải chấp nhận điều ấy.

Nếu họ có những bình luận phản cảm thì cách tốt nhất bạn nên “im lặng là vàng”, tránh đăng đàn “ném đá” lại. 

Bạn nên tránh “bút chiến” trên blog của bạn 

Đôi khi những góp ý của họ là hữu ích, bạn nên rút kinh nghiệm bản thân để cải thiện những bài viết của mình về sau. 

Viết kiểu “ba phải”

Đôi khi bạn quá sợ việc trình bày quan điểm riêng của mình trong sáng tác hay trong những bài viết sẽ bị bạn văn, bạn đọc “ném đá”. Bạn chọn lối viết an toàn, không đưa ra ý kiến riêng của mình mà viết theo kiểu chung chung. Những bài viết kiểu này sẽ không thể hiện cá tính riêng của bạn và cũng thiếu hấp dẫn với người đọc. 

Viết bài kiểu “đao to búa lớn”

Khi viết bài, bạn phải luôn đặt mình vào vị trí của bạn đọc. Bạn nên tìm cách diễn đạt sao cho thật đơn giản, dễ hiểu để bạn đọc nắm được ý bài viết của bạn. Tránh trường hợp bạn viết những bài viết quá “cao siêu” gây hiểu lầm hoặc khó hiểu cho độc giả. Vì mục đích chính khi xây dựng blog của bạn là để kết nối với độc giả.

“Ngủ quên” trên chiến thắng 

Thời gian đầu, bạn tập trung toàn sức lực để viết blog và thành quả là một số bài viết hay, hấp dẫn, lôi cuốn nhiều bạn đọc blog. Bạn hài lòng với kết quả đạt được và không đầu tư thời gian viết blog nữa. Một thời gian sau, bạn giật mình nhận ra blog của mình đã “xuống hạng” và bạn đọc cũng quay lưng. Hãy không ngừng chăm chút, đầu tư bài viết cho blog như những cuốn sách của bạn. 

Viết kiểu tỉ tê “tâm sự”

Với bạn đọc điều họ quan tâm là giá trị nhận được từ những cuốn sách bạn viết ra. Bạn nên dành thời gian viết bài giới thiệu về những cuốn sách thay vì chỉ viết bài kể lể, bộc bạch tâm sự cuộc sống riêng tư của bạn. Ngoài ra, việc đưa đời tư lên mạng đôi khi cũng khiến bạn rơi vào những rắc rối, hệ lụy không mong muốn. 

Hạn chế viết về đời sống “riêng tư” của bạn trên blog

Tuy nhiên bạn cũng nên tránh việc suốt ngày chỉ viết về sách của mình, làm bạn đọc chán ngấy. Quy tắc của viết blog là 80% bài viết mang lại giá trị, hữu ích cho bạn đọc và chỉ 20% bài viết dành để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm của bạn. 

Lời kết: Viết blog về lâu dài sẽ giúp bạn tìm kiếm thêm nhiều bạn đọc, gia tăng số lượng sách bán ra. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên việc đầu tư thời gian vào sáng tác, vì xét cho cùng, viết sách với nhà văn vẫn là công việc quan trọng nhất.  Bạn nên phân bổ thời gian SEO blog và viết sách sao cho hợp lý.

Viết blog cá nhân: Những sai lầm tác giả mới nên tránh” chỉ là những kinh nghiệm nho nhỏ của tôi trong quá trình xây dựng và phát triển blog cá nhân cho một nhà văn mới. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều blog của các nhà văn khác để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm hơn.

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC
Nếu bạn thích bài này hãy chia sẻ:

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình Luận

XIN CHÀO! TÔI LÀ NGUYỄN NGA

Tôi viết thuận cả hai tay. Với tay phải, tôi yêu thích viết những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Còn tay trái, tôi đều đặn viết bài Pr, tiếp thị, quảng cáo. Gọi tôi là nhà văn tiếp thị cũng không sai.

Muốn đọc truyện, hãy tìm tôi. Muốn tìm lại cảm hứng viết lách, hay kinh nghiệm viết, hãy thường xuyên ghé thăm Vietlachvn.com của tôi nhé!

Thông Tin Liên Hệ